何 乙支 譜 族 娥 媚 上 村 青 玫 社 清 威 縣 河 內 城 浦

(娥媚上村青玫社清威縣河內城浦)

Ẩm thủy tư nguyên


Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Lời mở đầu cho cuốn HÀ ẤT CHI PHẢ TỘC bản in.


   I/ Mấy nét về Gia Phả nói chung

    Người  ta thường nói:  "Nước có sử, nhà có phả".
    Phả đây là Gia Phả. Vậy Gia phả là gì ? theo Hán Việt tự điển (漢 越 字典) của Thiều Chửu thì:
      - Gia : Ở trong một cửa, trong một gia đình gọi là một nhà, thường có quan hệ huyết thống với nhau. Như gia trưởng (
家長) người chủ nhà, gia nhân ( 家人 ) người nhà, v.v.
     - Phả: sổ chép về nhân vật và chia  theo thứ tự  các đời, các ngành và  các bậc trưởng, thứ, ghi nhận, biểu dương công đức tổ tiên trong dòng họ hay trong một gia đình.

     Vậy, Gia phả ( 家譜 ) là bản ghi chép tên họ, tuổi tác, vai trò, lai lịch và công đức của cha mẹ, ông bà, tiên tổ ... trong thời đại mà họ đã sinh ra và lớn lên của một gia đình hay một dòng họ. Đào Duy Anh trong Từ điển Hán-Việt ( 漢 越 詞 典 )định nghĩa gia phả là: “Sách ghi thế hệ trong họ và lịch sử tổ tiên”. Gia phả có thể được coi như một bản sử ký của một gia đình hay một dòng họ. Gia phả có khi gọi là Phổ ký, có khi là Phổ truyền. Các nhà thuộc dòng dõi  vua quan, có khi gọi gia phả của vương triều mình hay gia tộc mình bằng từ ngữ trân trọng hơn: Ngọc phả, Thế phả...

     Gia phả ngày xưa các cụ chủ yếu ghi chép tên cúng cơm, ngày giỗ và địa điểm an táng của tổ tiên, người ta cho rằng bắt đầu có từ thời Sĩ Nhiếp (士燮, 137-226) làm Thái thú ở Giao Chỉ từ năm 187 đến năm 226 (cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc). Cũng có người cho rằng Gia phả sơ giản có từ thời Lý  Nam Đế (khoảng  năm 476 - 545).

     Năm Thuận Thiên thứ 17, Lý Thái Tổ (1026) cho soạn cuốn Hoàng Triều Ngọc Điệp (皇朝玉牒 ),  cuốn này  nay đã mất. Những cuốn tộc phả, thế phả đến những đời nhà Lý sau đó và nhà Trần xuất hiện nhiều.
 
     Với các dòng họ của dân bình thường, ít được soạn chép, lưu truyền  như của vua quan. Cuốn gia phả của họ Trần ở xã Đồng Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội là cuốn có niên đại sớm nhất, được soạn năm 1533.

    Theo lệ cổ, gia phả chỉ lưu ở nhà trưởng họ ( 族長  ) và chép theo trực hệ ( 直系  ) từng Chi (支派, ) chủ yếu là ngành Trưởng (長房   ) thường được giữ kín, ít được phổ biến nên ít người biết và chỉ có một bản, đã thất lạc là rất khó phục hồi.

     Gia phả giúp người ta nhớ ngày giỗ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nhờ gia phả, con cháu biết nguồn gốc gia tộc từ đâu đến đâu, họ hàng trên dưới xa gần ra sao. con cháu các đời sau hiểu ngọn ngành, tông chỉ nhà mình thế nào.  Người xưa quan niệm: trong một nhà một họ mà gốc rễ không tường tận, thì trong con cháu thường xảy ra những chuyện có hại cho gia đạo. Có gia phả, con cháu sẽ nắm chắc ngày giỗ ông bà, không cưới gả với người trong họ, nắm rõ thứ thế để trong giao tiếp, cư xử phù hợp với phong tục của người Việt.

    Các cụ ngày trước coi Gia phả là gia bảo. Phả hệ của phương Đông luôn luôn lấy vị tổ tiên chung của cả họ làm cội nguồn để viết cho đến thời điểm hiện tại, người phương Tây thì lấy bản thân là trung tâm để truy ngược dần lên đến tổ tiên, theo phương thức tìm nguồn.

  II/ Vì sao tôi biên soạn “ Hà Ất Chi Phả tộc”?
       Tôi ngày xưa vì hoàn cảnh đặc biệt nên chủ yếu sống với bên ngoại. Với tôi, cho đến hiện nay, họ ngoại vẫn gần gũi hơn họ nội. Có lẽ vì cả quá khứ của tuổi thơ tôi chỉ gắn với bên ngoại. Xét về dòng máu thì với một người,  nội và ngoại như nhau, đều 50% và 50%. Bởi chúng ta đang theo phụ hệ nên lấy  họ là họ của người cha. Chỉ khác nhau điều đó thôi.

       Trước đây tôi cũng không quan tâm lắm đến gia phả, nhưng từ khi nghỉ hưu, sau khi biên soạn xong cuốn  "Thần tích thôn Nga My Thượng và những vấn đề liên quan”, tôi có chú ý đến gia phả bên nội và bên ngoại. Bên nội thì chỉ có bản ghi chép ngày Kỵ húy của các cụ  cách đây 3 đời, trước nữa không có do loạn lạc, chiến tranh, rồi cháy nhà nên mất cả.

        Bên ngoại thì cậu tôi có ghi chép  lại theo di ngôn của ông ngoại tôi từ đời thứ nhất đến đời thứ tám. Chủ yếu là ngành trưởng, con trai. Các cụ bà  và con gái ghi đơn giản, thậm chí tên húy cũng nhiều trường hợp không có. Cái chủ yếu là ghi tên chữ ( tên tự ) và tên hiệu, ngày mất , nơi để phần mộ.  Không thấy ghi năm sinh, năm mất, do vậy không biết các cụ sống vào thời nào, hoàn cảnh xã hội ra sao.

       Do nghỉ hưu, nên có thời gian, cùng với lòng biết ơn sâu sắc  với ngoại tổ và mẹ tôi cùng các Cậu các Dì, tình cảm với các anh, chị và các em, tôi mạo muội biên soạn cuốn Gia phả họ Hà, lấy tên như cuốn Gia phả Cậu tôi đã lấy.

      Nguồn tài liệu là từ  8 bài thơ Di ngôn của Kế Chí Tiên sinh (Ông ngoại tôi ) và cuốn Gia phả ngành trưởng Hà Ất chi  của Cụ Hà Trọng Đính ( Cậu ruột tôi). Ngoài phần cơ bản đó, những tìm hiểu thêm về Tiền nhân trong quá khứ, tìm hiểu thêm về các thế hệ đang sống, tôi đã trực tiếp phỏng vấn, trao đổi qua điện thoại hoặc gặp gỡ trực tiếp. Có những chỗ không rõ, tôi  hỏi  Cụ  Hà Thị Bính ( Dì ruột tôi ),  ông  Bùi Văn Nhương,  bà Hà Thị Hậu ( anh chị con các Bác tôi), ông Hà Đắc Di ( con Cậu tôi ) là những ngừơi cao tuổi còn nhớ nhiều sự việc.

       Cách ghi chép của tôi cũng khác với Cậu tôi và với cách lập gia phả mà mọị người vẫn làm. Cậu tôi ghi chép theo từng đời của mỗi vị tổ và theo trực hệ,  từ  vị  trưởng đời trước xuống đến vị trưởng đời sau, không đi sâu vào các nhánh thứ và các cô tổ. Vì vậy tuy gọn nhưng không đủ.

      Các cuốn gia phả khác mà tôi tham khảo thì ghi theo cây phả hệ. Cách ghi này có cái hay là nhìn tổng quát thấy rõ ngay gốc cành, phân biệt được trước, sau và mỗi quan hệ giữa các thành viên. Tuy nhiên chỉ ghi được họ tên, không ghi được các dữ liệu khác, khổ giấy để vẽ cây (cây ngày càng phát triển) nên khổ giấy phải lớn, bổ sung khó, chỉ có thể lưu giữ ở nhà trưởng mà thôi. Cách ghi này thấy được toàn cảnh nhưng không rõ chi tiết cụ thể.
      Cách ghi của tôi thoạt cũng định làm như thế, nhưng trong quá trình làm chợt nẩy ra là phải đưa lên mạng, một là dễ lưu giữ, hai là ai cũng xem được, ba là bổ sung, thay đổi, sửa chữa cũng dễ. Để khắc phục cả hai nhược điểm  mà mọi người gặp phải nếu làm theo cách cũ như đã nói trên, tôi  vẽ sơ đồ theo phạm vi từng gia đình, các gia đình ấy đều bắt nguồn từ một nhánh, một cành là các vị tổ ( vị tổ ấy có thể là  trưởng, thứ, nam, nữ và đều  được thể hiện mối liên quan với các vị cao tổ trên nữa bằng sơ đồ). Đưa lên mạng dưới dạng Blog, có thể đưa kèm hình ảnh, âm thanh, các bài viết có liên quan. Và nói chung là muốn viết thêm khi nào cũng được.

      Ngôn ngữ khi ghi chép gia phả này được xưng hô  với tư cách của em con cậu ruột tôi là Hà Trọng Thi, hiện  đang trong vai trưởng Chi. Phải  nói rõ  như vậy để khi đọc mọi người khỏi thắc mắc ( khi gặp các đại từ nhân xưng như Cô tổ, Thúc, Bá,… )

       Hiện nay trên mạng, Hà Ất Chi Phả tộc đang tồn tại dưới địa chỉ: http://www.haatchiphatoc.net/  ( hoặc vào Google và gõ: Hà ất chi phả tộc là tìm được)  và đến giờ phút này ( 22g 25 ngày 16/7/2012 ) đã có 646 lượt người vào xem. Tôi sẽ tiếp tục bổ sung, chỉnh lý thêm khi có điều kiện.
       
         Tuy nhiên ở quê không phải ai cũng có máy tính và  dù có cũng không có điều kiện truy cập vào mạng để xem . Vì vậy tôi in ra một vài bản đen trắng tạm thời để các vị trưởng của các nhà sử dụng,  sau này nếu điều kiện cho phép sẽ in màu.

         Mong rằng cuốn Gia Phả này góp phần lưu truyền công đức của tổ tiên chúng ta, làm điểm tựa tâm linh cho  con cháu ngày càng phát triển ( như đôi câu đối dưới đây), đồng thời qua đó anh em trong họ, kể cả nội ngoại   gắn bó nhau hơn.

图巩固國有史書 Hoàng đồ củng cố, Quốc hữu Sử thư

祖德流徽家存譜志 Tổ đức lưu huy, Gia tồn Phả chí
      
  Có điều gì chưa phải, xin được góp ý để kịp thời chỉnh lý
   Ngày 02/01/2012 ( tức ngày 09 tháng Chạp năm Tân Mão )
   Ngày 09/4/2012  ( tưc  ngày 19 tháng 3 năm Nhâm Thìn) chỉnh lý lần 1
   Ngày 16/7/2012 ( tức ngày  28 tháng5 năm Nhâm Thìn ) chỉnh lý lần 2

Nguyễn Đình Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét